Các nhà nghiên cứu phát hiện gen quy định chỉ số đường huyết thấp và cực thấp ở lúa
Lê Thị Kim Loan theo Phys.org
Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) công bố họ đã đạt được một cột mốc khoa học quan trọng với việc phát hiện ra các gen quy định chỉ số đường huyết (GI) thấp và cực thấp ở lúa.
Tổng Giám đốc lâm thời của IRRI Ajay Kohli cho biết với phát hiện này, các nhà nghiên cứu hiện có thể chuyển đổi các giống lúa phổ biến ở mọi nơi trên thế giới thành loại gạo trắng thành phẩm có chỉ số GI thấp và cực thấp thông qua nhân giống thông thường, bắt đầu từ Philippines.
Thông báo này được đưa ra tại Hội nghị Lúa gạo Quốc tế lần thứ 6 tại Manila vào ngày 16 tháng 10, với lô mẫu gạo có GI cực thấp đầu tiên được trưng bày trong sự kiện này.
Chỉ số đường huyết là thang xếp hạng thực phẩm từ 0 đến 100 để đánh giá tác động của chúng đối với lượng đường trong máu. GI của một loại thực phẩm nhất định càng thấp thì nó càng ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của người tiêu dùng. Ngược lại, thực phẩm có GI cao có thể khiến lượng đường của người dùng tăng đột biến. Ví dụ: đường nguyên chất có điểm 100.
Thực phẩm GI cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, béo phì và các bệnh tim mạch. Điều này làm cho GI trở thành một công cụ hữu ích để giúp những người mắc bệnh tiểu đường, kiểm soát tình trạng của họ và đưa ra những quyết định lành mạnh về chế độ ăn uống và dinh dưỡng.
IRRI phân loại mức chỉ số đường huyết dưới 45 là cực thấp và 46–55 là GI thấp. Những loại gạo trên 70 là GI cao. Nhiều giống lúa trồng phổ biến có GI dao động từ 70 đến 92.
Theo WHO, bệnh tiểu đường là nguyên nhân trực tiếp gây ra 1,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới vào năm 2019, trong đó 48% xảy ra trước 70 tuổi. Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế ước tính số người mắc bệnh tiểu đường là 537 triệu vào năm 2021 và tổ chức này cho rằng cứ 8 người trưởng thành thì có một người mắc bệnh tiểu đường vào năm 2045.
Kohli cho biết gạo là lương thực chính ở hơn 100 quốc gia và “gần một nửa dân số thế giới”. Ba trong số bốn quốc gia đông dân nhất thế giới sử dụng gạo là lương thực chính - Ấn Độ, Trung Quốc và Indonesia - tổng cộng có hơn 3 tỷ người.
Gạo được coi là có lượng carbohydrate đáng kể và chỉ số GI cao, mặc dù mức độ khác nhau tùy thuộc vào giống. Các giống màu trắng và dính được biết đến với chỉ số GI cao. Gạo màu có GI thấp hơn. Nhưng nó cũng đắt hơn nhiều.
Theo IRRI, giống lúa siêu lùn mới được phát hiện có chỉ số GI chỉ 44. Giống lúa có chỉ số GI siêu thấp mang tính đột phá được phát triển từ giống Samba Mahsuri x IR36ae.
Kohli cho biết: “Hãy mong đợi chúng sẽ xuất hiện ở thị trường Philippine trong một vài năm nữa”.
Bình luận về sự phát triển này, Devinder Sharma, một trong những chuyên gia an ninh lương thực hàng đầu của Ấn Độ, cho biết: “Có hàng triệu người, đặc biệt là ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, buộc phải hạn chế nhu cầu tiêu thụ gạo chỉ vì họ mắc bệnh tiểu đường và với loại gạo có chỉ số GI cực thấp, sự tự do tiêu thụ gạo hy vọng sẽ được khôi phục”.
Tuy nhiên, Rodrigo Angelo Ong, chuyên gia nghiên cứu tại Viện Chăm sóc sức khỏe truyền thống và đổi mới Philippine, cảnh báo rằng bước đột phá này không có nghĩa là người tiêu dùng giờ đây có thể ăn cơm thỏa thích.
Ông nói: Nếu mọi người bắt đầu ăn nhiều cơm hơn chỉ vì GI thấp hơn thì điều đó sẽ đi ngược lại mục đích của sự duy trì ổn định đường huyết. Các quy tắc điều trị và ăn kiêng trước đây vẫn được tuân theo, tuy nhiên sẽ có sự điều chỉnh, chia tỷ lệ gạo hợp lý và lượng carbohydrate vừa phải”.
Kohli nhấn mạnh rằng rất nhiều nghiên cứu hiện nay về lúa gạo không chỉ liên quan đến khả năng chống chịu khí hậu và cải thiện năng suất mà còn là loại gạo tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Chúng bao gồm giống lúa có hàm lượng kẽm cao được ra mắt cách đây vài năm và giống lúa vàng biến đổi gen sắp được tung ra, được thiết kế để có hàm lượng beta-carotene (vitamin A) cao hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét