Lưu trữ Blog

Thứ Bảy, 7 tháng 5, 2022

Bón hoặc không bón: Cân đối tinh tế giữa sự bạc phấn trong hạt gạo và hàm lượng đạm dư thừa

 Bón hoặc không bón: Cân đối tinh tế giữa sự bạc phấn trong hạt gạo và hàm lượng đạm dư thừa 

Lê Thị Kim Loan theo Phys.org

Có một vấn đề phổ biến trong canh tác lúa mà bạn có thể chưa bao giờ nghe nói đến là: cây lúa gặp nhiệt độ cao có thể tạo ra "hạt bị bạc phấn", những hạt này dễ bị nát trong quá trình xay xát, điều này dẫn đến lợi nhuận bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

 

Phân đạm có thể làm giảm tỷ lệ bị bạc phấn. Tuy nhiên, quá nhiều đạm có thể làm tăng lượng protein trong gạo, ảnh hưởng đến chất lượng của gạo một cách không mong muốn vì độ nhớt của gạo khi nấu chín sẽ thấp hơn.

 

Điều này có nghĩa là bón phân đạm là một sự cân bằng tinh tế giữa việc ngăn ngừa hạt bị bạc phấn và giữ cho lượng đạm trong hạt ở mức chấp nhận được. Hiroshi Nakano, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Kyushu Okinawa, Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Lương thực Quốc gia ở Nhật Bản, và các cộng tác viên đang nghiên cứu một giải pháp tiềm năng.

 

Nghiên cứu này gần đây đã được công bố trên Tạp chí Nông học, một ấn phẩm của Hiệp hội Nông học Hoa Kỳ.

 

Nhóm đã nghiên cứu các công cụ mà nông dân có thể sử dụng để dự đoán tỷ lệ hạt bị bạc phấn và hàm lượng protein trên cây lúa. Điều này sẽ cho phép họ đánh giá lượng phân đạm cần cho cây theo từng thời kỳ. Nakano nói "Mục tiêu của chúng tôi là tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất lúa ổn định trong điều kiện khí hậu thay đổi. Điều quan trọng là phải thiết lập tỷ lệ bón đạm lý tưởng bằng cách sử dụng phương pháp kiểm tra tăng trưởng. Trong nghiên cứu này, chúng tôi đã xác định các yếu tố hữu ích có thể giúp cân bằng hạt bị bạc bụng và hàm lượng protein."

 

Ông cho biết thêm rằng ở Tây Nam Nhật Bản, cây lúa được cấy từ giữa đến cuối tháng Sáu, các hạt gạo phát triển thông qua các quá trình xảy ra vào tháng 7, 8 và 10. Có sự khác biệt nhỏ về thời tiết và sự tăng trưởng mỗi năm. Điều này có nghĩa là nhu cầu chính xác về đạm không phải lúc nào cũng giống nhau. Kết quả là việc bón phân đạm cần được điều chỉnh dựa trên các điều kiện sinh trưởng

 

Nakano nói "Nhiệm vụ của chúng tôi là phát triển các cách để bảo vệ cây lúa khỏi biến đổi khí hậu toàn cầu. Ở Nhật Bản, diện tích sản xuất lúa chiếm khoảng 36% tổng diện tích đất canh tác. Trong những năm gần đây, cây lúa phải tiếp xúc với nhiệt độ không khí cao hơn trong giai đoạn chín. Điều này có thể dẫn đến hạt gạo bị bạc phấn".

 

Trong nghiên cứu của mình, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm hai loại phép đo bằng hai thiết bị. Người ta đã xem xét nồng độ nitơ trong lá của cây lúa. Phương pháp còn lại đo mức độ cây có thể hấp thụ nitơ. Nhóm nghiên cứu cũng xác định thời điểm tốt nhất để thực hiện các phép đo này.

 

Phát hiện của họ chỉ ra sự hữu ích của các kết quả đọc được, cho phép nông dân điều chỉnh việc bón phân đạm vào những thời điểm quan trọng trong quá trình sản xuất lúa, giúp giảm số lượng một số hạt bị bạc phấn và điều chỉnh hàm lượng protein của hạt.

 

Nakano nói "Chúng tôi khuyến nghị nông dân nên tiến hành đo tăng trưởng bằng cách sử dụng máy đo cầm tay. Những máy đo này không đắt nhưng giúp họ thu hoạch được hạt gạo đạt chất lượng cao".

 

Tuy nhiên, nông dân có thể khó có đủ dữ liệu nếu họ có điện tích ruộng quá nhiều. Các nhà nghiên cứu hy vọng sẽ phát triển một cách để thực hiện các phép đo này bằng cách sử dụng một máy bay không người lái. Nakano cho biết thêm rằng có thể giúp nông dân nâng cao năng suất lúa trong khi vẫn duy trì chất lượng cao là điều quan trọng để giải quyết các vấn đề an ninh lương thực. Dân số toàn cầu ngày càng tăng và nhiệt độ tăng đang gây ra những vấn đề về an ninh lương thực.

 

Nakano nói "Nghiên cứu này rất quan trọng vì nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự đoán sẽ tăng lên do hiện tượng ấm lên toàn cầu. Sự xuất hiện của hạt bị bạc bụng tăng lên khi cây lúa chín trong điều kiện nhiệt độ không khí cao. Lúa gạo là lương thực chính của khoảng 50% dân số toàn cầu, vì vậy, vấn đề này không những rất quan trọng đối với nông dân mà còn đối với người tiêu dùng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét