Than sinh học tác động đến phát thải khí CO2, CH4, và tích tụ cadmium trong cây lúa trên đất bị nhiễm Cd: kết quả “META-analysis”
Nguồn: Muhammad Athar Khaliq, Ibtisam Mohammed Alsudays, Haifa Abdulaziz Sakit Alhaithloul, Muhammad Rizwan, Jean Wan Hong Yong, Shafeeq Ur Rahman, Muhammad Sagir, Safdar Bashir, Habib Ali, Zuo Hongchao. 2024. Biochar impacts on carbon dioxide, methane emission, and cadmium accumulation in rice from Cd-contaminated soils; A meta-analysis. Ecotoxicol Environ Saf.; 274:116204. doi: 10.1016/j.ecoenv.2024.116204.
Biến đổi khí hậu và tạp nhiễm bởi cadmium (Cd) là mối đe dọa cực trọng đến sản lượng lúa gạo và an ninh lương thực. Than sinh học BC (biochar) có mặt như một sự cải tạo đất đầy hứa hẹn để giảm thiểu những thách thức như vậy. Muốn nghiên cứu các ảnh hưởng BC trên ruộng lúa đối với phát thải khí nhà kính (GHG), khả năng sinh dụng của Cd (bioavailability), và sự tích tụ Cd, người ta tiến hành phương pháp meta-analysis của cơ sở dữ liệu được công bố từ năm 2000 đến 2023. Phần mềm Data Manager 5.3 và GetData plot Digitizer được sử dụng để thu thập và sử lý dữ liệu cho các thông số cần có được. Kết quả cho thấy có sự gia tăng đáng kể (18%) trong pH đất có bón bùn thải chứa than sinh học BC, trong khi đó có 9% tăng trong đất carbon hữu cơ (soil organic carbon: SOC) bằng dăm tre BC. Giảm đáng kể tỷ trọng biểu kiến đất (8%), nhưng không có ảnh hưởng nào khác được nhận biết đối với độ xốp của đất (soil porosity), ngoại trừ nghiệm thức BC tro lúa mì, nó làm giảm độ xốp xuống 6%. Than sinh học từ bùn thải (sewage sludge) và dăm tre (bamboo chips) làm giảm đáng kể carbon dioxide (CO2) còn 7-8%, trong khi đó, chất thải sinh học đô thị làm giảm phát thải khí methane (CH4) 2%. Nghiên cứu tình huống về kim loại nặng, vỏ hạt của cây hướng dương và vỏ trấu hạt thóc làm BC đã có kết quả giảm đáng kể hàm lượng Cd khả dụng trong đất lúa là 24% (Hướng dương) và 12% (vỏ trấu), theo thứ tự. Hấp thu Cd của rễ lúa trở nên thấp hơn bởi gia tăng bón BC từ nguyên liệu tro bếp (22%), vỏ hạt đậu phụng (21%), cùi bắp (15%). Tương tự, BC từ que bông, tro bếp, vỏ hạt đậu phụng, và vỏ trấu ức chế chuyển vị Cd từ rễ lúa lên chồi thân là 22%, 27%, 20%, và 19%, theo thứ tự, trong khi đó, BC từ mạt cưa và vỏ trấu rất hiệu quả trong việc làm giảm tích tụ Cd trong hạt tgạo là 25% và 13%. Liên quan đến năng suất, BC từ nguồn que bông làm tăng đáng kể năng suất là 37% trong ruộng lúa bị tạp nhiễm Cd. Kết quả “meta-analysis” minh chứng được thanh sinh học BC là một chiến lược hiệu quả và đa hướng phục vụ canh tách lúa bền vững và chống chịu bằng cách làm thấp phát thải nhà kính và làm giảm tích tụ Cd đồng thời làm tăng năng suất lúa trước biến đổi khí hậu đang đe dọa thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét